1. Hiệu lực của giao dịch dân sự

-      Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

-      Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó (Điều 119).

-      Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân
sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

-      Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện nêu trên thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác (Điều 122).

Như vậy, hợp đồng, giao dịch dân sự thuộc nhóm quan hệ pháp luật dân sự. Để hợp đồng, giao dịch dân sự có hiệu lực thì phải bảo đảm các điều kiện như viện dẫn ở trên. Bên cạnh đó, hợp đồng, giao dịch được công chứng thì được đảm bảo giá trị theo như quy định tại Điều 5 của Luật Công chứng năm 2014. Vậy điều này có mâu thuẫn?

Bản chất của quan hệ dân sự là tôn trọng, đề cao sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Và nguyên tắc cơ bản trong hành nghề công chứng là công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng. Điều này không có nghĩa, các hợp đồng, giao dịch luôn luôn đúng hoặc đều sẽ được thực thi. Tuy nhiên, khi phát hiện hợp đồng, giao dịch không đảm bảo các điều kiện có hiệu lực thì cơ quan nào có quyền tuyên bố giao dịch đó vô hiệu?

2. Cơ quan nào có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng, giao dịch dân sự vô hiệu?

-      Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền:

“1. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.

Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.

Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 (áp dụng tập quán) và Điều 6 (áp dụng tương tự pháp luật) của Bộ luật này được áp dụng”.

-      Điều 52 Luật Công chứng năm 2014 quy định người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu:

“Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”.

Với các quy định nêu trên, khẳng định rằng, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng, giao dịch dân sự (trừ trường hợp pháp luật quy định bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính) cũng như văn bản công chứng là vô hiệu. Do đó, trong quan hệ hành chính, một hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng bị xử phạt nhưng vẫn không cho phép cơ quan hành chính nhà nước xem xét về hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng.

Vậy nếu hợp đồng, giao dịch hoặc văn bản công chứng có dấu hiệu của sự “vô hiệu” nhưng không ai đề nghị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì sẽ như thế nào?

Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu:

“1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125 (Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện), 126 (Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn), 127 (Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép), 128 (Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình) và 129 (Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức) của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.

3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 (giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội) và Điều 124 (Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo) của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế”.

Điều 4 Luật Công chứng năm 2014 quy định nguyên tắc hành nghề công chứng: “1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. 2. Khách quan, trung thực. 3. Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. 4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng”.

Điều 76 Luật Công chứng năm 2014 quy định giải quyết tranh chấp: “Trong trường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng thì các bên có quyền khởi kiện vụ việc ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đó”.

Như vậy, có thể nói rằng, hợp đồng, giao dịch, nếu không thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội và giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 02 năm theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu hết thời hạn này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực. Trường hợp hợp đồng, giao dịch được công chứng “có dấu hiệu vô hiệu” được thực thi trên thực tế dẫn đến phát sinh hậu quả, tranh chấp thì giải quyết theo Điều 76 Luật Công chứng năm 2014, và về nguyên tắc, thì công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng.

Tóm lại, để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân trong trường hợp liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng có dấu hiệu của sự “chưa phù hợp” thì cần xác định rõ 02 mối quan hệ pháp luật trong trường hợp này, đó là: thứ nhất, mối quan hệ pháp luật hành chính để xử lý hành vi vi phạm trật tự quản lý nhà nước về công chứng; thứ hai, mối quan hệ pháp luật dân sự để xác định bản chất nội dung hợp đồng, giao dịch dân sự. Trên cơ sở đó, áp dụng các quy định giải quyết, xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Công chứng đối với hợp đồng, giao dịch đã được công chứng trong trường hợp này một cách hợp lý.

 

 

CCOL
Nguồn
Link bài gốc