leftcenterrightdel
 

1.     Hợp đồng đã được công chứng có được hủy bỏ không?

Theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Như vậy, hợp đồng đã được công chứng nhưng các bên tham gia vẫn có quyền tự nguyện, thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng.

Đồng thời căn cứ vào khoản 1 Điều 51 Luật công chứng 2014 quy định:

Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

Theo đó, việc hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của các bên tham gia hợp đồng này.

Trường hợp, các bên đồng thuạn về việc hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng thì phải tiến hành thủ tục hủy bỏ tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Nếu tổ chức hành nghề công chứng đó chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch này.

2.     Trình tự thủ tục tiến hành hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng?

Căn cứ khoản 3 Điều 51 Luật công chứng 2014:

Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.

Theo đó, thủ tục hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch được quy định tại Điều 40 Luật công chứng 2014:

“1. Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

2. Bản sao quy định tại khoản 1 Điều này là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.

3. Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.

4. Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.

5. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.

6. Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

7. Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng.

8. Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

Trường hợp, các bên chưa soạn Dự thảo hợp đồng, thỏa thuận, cam kết về việc hủy bỏ hợp đồng đã công chứng thì có thể trình bày rõ nội dung, ý định với công chứng viên. Nếu ý định đó là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì công chứng viên sẽ soạn thảo Hợp đồng, giao dịch về việc hủy bỏ hợp đồng đã công chứng

 
CCOL
Nguồn
Link bài gốc