Theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng thế chấp nhà ở hoặc quyền sử dụng đất (sau đây gọi chung là hợp đồng thế chấp bất động sản) bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Căn cứ khoản 1 Điều 54 Luật Công chứng 2014: “Việc công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản phải được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản”.

         Có thể hiểu đơn giản, nếu bạn đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, muốn thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng trong khi đất này nằm ở quê bạn là An Giang thì hợp đồng thế chấp bất động sản phải được công chứng tại Văn phòng công chứng có trụ sở tại tỉnh An Giang.

            Một tài sản có thể dùng để thực hiện bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ, tuy nhiên tài sản đó phải đáp ứng được điều kiện là có giá trị lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ mà nó bảo đảm tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 296 Bộ luật Dân sự 2015. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Công chứng 2014: “Trường hợp một bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và hợp đồng thế chấp đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác trong phạm vi pháp luật cho phép thì các hợp đồng thế chấp tiếp theo phải được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng hợp đồng thế chấp tiếp theo đó”.

            Do đó, các Hợp đồng thế chấp bất động sản phát sinh sau khi bất động sản đã được thế chấp trước đó vẫn sẽ được công chứng ngay tại nơi công chứng Hợp đồng thế chấp bất động sản lần đầu tiên.

CCOL
Nguồn
Link bài gốc