1.     Quy định về Công chứng

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2, Luật Công chứng 2014 thì Công chứnglà việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”[1]

Các tổ chức hành nghề công chứng bao gồm “Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.[2]

Trên thực tế rất nhiều giao dịch theo quy định của pháp luật phải tiến hành công chứng, chứng thực mới đảm bảo điều kiện có hiệu lực về hình thức như Hợp đồng chuyển nhượng,tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ, di chúc miệng, Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân,…

Bởi tại khoản 2, Điều 118, BLDS 2015 đã quy định rõ “. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

2.     Quy định về địa điểm Công chứng

Điều 44, Luật Công chứng 2014 quy định:

“1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.”

Như vậy, trừ trường hợp người yêu cầu công chứng là “người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác…” thì bắt buộc việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo khoản 5, Điều 2, Luật Công chứng 2014.

Ngoài ra đối với Hợp đồng, Giao dịch liên quan đến bất động sản thì công chứng viên chỉ được công chứng bất động sản thuộc phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở[3], trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Đặc biệt, Luật Công chứng 2014 còn quy định người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự. Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch[4].

3.     Vai trò của Công chứng trực tuyến

Như vậy, hình thức Công chứng trực tuyến hiện nay về bản chất là giúp kết nối người yêu cầu công chứng với tổ chức hành nghề công chứng. Hệ thống Công chứng trực tuyến (CCOL) của chúng tôi cho phép người dùng lựa chọn Công chứng viên, và hỗ trợ giao hồ sơ để các công chứng viên thẩm định, chuẩn bị trước khi mang bản chính đến để công chứng viên kiểm-chiếu, mà vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Công chứng, các bên trong giao dịch bắt buộc phải ký trước mặt Công chứng viên.

Hệ thống CCOL sẽ giúp người dân và doanh nghiệp hạn chế việc phải đi lại nhiều lần đến các địa điểm công chức khi hồ sơ chưa đầy đủ, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đồng thời, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, giải pháp này giúp tránh tụ tập đông người, hạn chế lây nhiễm trong công đồng. Hệ thống cũng giúp các cơ quan nhà nước thực hiện công tác giám sát nhanh chóng theo thời gian thực để có thể giám sát, định hướng quản trị hoạt động công chức trên địa bàn một cách nhanh và trực quan nhất


[1] Khoản 1, Điều 2, Luật Công chứng 2014

[2] Khoản 5, Điều 2, Luật Công chứng 2014

[3] Điều 42, Luật Công chứng 2014

[4] Điều 47, Luật Công chứng 2014

CCOL
Nguồn
Link bài gốc