1. Quy định về Hợp đồng đặt cọc

Theo quy định tại khoản 1, Điều 328, BLDS 2015 quy định Đặt cọc là việc “một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”

Trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì “tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Tuy nhiên, theo Luật Công chứng 2014 thì Hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải công chứng, do đó cũng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 119 “Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”. Do vậy, vẫn đảm bảo điều kiện về hình thức của Hợp đồng , có hiệu lực theo quy định tại Điều 117, BLDS 2015.

2. Các bên nên tiến hành công chứng Hợp đồng đặt cọc

Trên thực tế, các bên nên tiến hành công chứng Hợp đồng đặt cọc bởi theo Điều 5, Luật Công chứng 2014 thì “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.”

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp phải giải quyết tại Toà án thì “Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong Hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu” (Khoản 3, Luật Công chứng 2014)

Như vậy, các văn bản được công chứng không những có giá trị bảo đảm thi hành giữa các bên tham gia Hợp đồng, Giao dịch dân sự mà còn có giá trị chứng cứ, không phải chứng minh trước Toà án. Do đó, các bên vẫn nên tiến hành công chứng Hợp đồng đặt cọc để phòng ngừa rủi ro tranh chấp xảy ra trong tương lai.

CCOL
Nguồn
Link bài gốc