1. Quy định của pháp luật

Theo Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) thì công chứng  là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng (khoản 1, Điều 2, Luật Công chứng 2014)

Cụ thể, Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 quy định: 2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. 3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. 4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.”. Như vậy, văn bản công chứng không những có giá trị bảo đảm thi hành giữa các bên tham gia hợp đồng, giao dịch dân sự mà còn có giá trị chứng cứ, không phải chứng minh trước Tòa án.

Điểm c khoản 1 Điều 92 BLTTDS về những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh: “c) Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tính khách quan của những tình tiết, sự kiện này hoặc tính khách quan của văn bản công chứng, chứng thực thì Thẩm phán có thể yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực xuất trình bản gốc, bản chính.”;

Khoản 9 Điều 94 BLTTDS và khoản 9 Điều 81 Luật Tố tụng hành chính quy định văn bản công chứng, chứng thực là nguồn chứng cứ.

Khoản 1, 10 Điều 95 BLTTDS và khoản 1 Điều 82 Luật Tố tụng hành chính quy định: “1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận… 10. Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.”;

Khoản 6 Điều 273 BLTTDS và khoản 6 Điều 205 Luật Tố tụng hành chính quy định: “6. Việc ủy quyền kháng cáo phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.”

BLTTDS năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều nhấn mạnh văn bản, giấy tờ phải được công chứng, chứng thực một cách hợp pháp, nếu có dấu hiệu nghi ngờ tính khách quan của những tình tiết, sự kiện này hoặc tính khách quan của văn bản công chứng, chứng thực thì Thẩm phán có thể yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực xuất trình bản gốc, bản chính. 

Như vậy những hợp đồng, giao dịch đã được tiến hành công chứng, chứng  thực một cách hợp pháp, Tòa án sẽ căn cứ vào những chứng cứ này trong việc giải quyết tranh chấp tại Toà án. Cụ thể tác giả xin nêu ra hai tình huống tóm tắt bản án dân sự cho thấy vai trò của văn bản được công chứng, chứng thực trong việc giải quyết tranh chấp tại Toà án như sau.

 

2. Thực tiễn xét xử

2.1. Ví dụ thứ nhất

Vợ chồng bà A và ông B có vay của bà C số tiền là 1.800.000.000đ. Bà C đã khởi kiện và được Tòa án nhân dân thành phố D thụ lý vụ án nhưng chưa được xét xử.

Bà A và ông B có tài sản chung là nhà đất, bà A đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông B đã làm Văn bản xác nhận nhà đất trên của ông bà là tài sản riêng của bà A. Sau đó, bà A ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông E. Văn bản xác nhận tài sản riêng và Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng của Văn phòng Công chứng Q. Bà C có làm đơn xin ngăn chặn việc chuyển nhượng phần đất trên và đã được Tòa án nhân dân thành phố D ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để phong tỏa tài sản của bà A, sau đó Tòa án đã ban hành Quyết định hủy bỏ Quyết định này.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều xác định: Tại thời điểm bà C khởi kiện vụ án này, Toà án nhân dân thành phố D chưa xét xử vụ án dân sự sơ thẩm giữa bà C và bà A, ông B về việc trả nợ số tiền vay. Do đó, việc bà C cho rằng phần diện tích đất tranh chấp là tài sản để đảm bảo thi hành án là không có cơ sở.

Căn cứ Điều 122 BLDS năm 2005, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện gồm: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện và hình thức giao dịch phù hợp quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử xét thấy việc bà A và ông B ký kết Văn bản xác nhận diện tích đất là tài sản riêng của bà A và chuyển nhượng cho người khác, bà A đã đảm bảo quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Tại thời điểm công chứng, bà A đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên và trong thời hạn quyền sử dụng đất nên đủ điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013. Thủ tục công chứng đã phù hợp quy định tại các Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng 2014. Vì vậy, bà C khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố Văn bản xác nhận ngày 07/11/2015 và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 07/11/2015 vô hiệu là không có cơ sở chấp nhận.

Từ những tình tiết và căn cứ nêu trên, Tòa án hai cấp đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà C về việc yêu cầu tuyên bố Văn bản xác nhận tài sản riêng và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị A với ông E vô hiệu. Như vậy, hai văn bản công chứng này trong quá trình tố tụng tại Tòa án đã một lần nữa được khẳng định tính xác thực, tính hợp pháp.

2.2. Ví dụ thứ hai

Ví dụ minh họa khác về hiệu lực của bản sao có chứng thực. Cụ thể, "Giấy nhượng đất làm nhà" được chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng bản gốc bị thất lạc nên đương sự chỉ cung cấp được bản sao có chứng thực. Trường hợp này, Tòa án các cấp đã căn cứ vào Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, dịch vụ và Điều 691 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng với Điều 689 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015) để xem xét, đánh giá và xác định bản sao có chứng thực của "Giấy nhượng đất làm nhà" có giá trị như bản gốc. Bản sao có chứng thực của đại diện thôn, phó công an xã và dấu xác nhận của Ủy ban hành chính xã H. Mặc dù, nguyên đơn không xuất trình được bản gốc “Giấy nhượng đất làm nhà”, nguyên nhân do sơ xuất nên bản gốc đã thất lạc. Tuy nhiên, tài liệu trong hồ sơ thể hiện đã có bản sao được chứng thực nên có giá trị như bản chính. Việc mua bán được nhiều người làm chứng xác nhận.

Như vậy, giá trị của bản sao "Giấy nhượng đất làm nhà" có chứng thực và thực tế giao dịch nhượng đất có nhiều người làm chứng đã được Tòa án các cấp thừa nhận có giá trị như bản gốc.

Từ tính chất, chủ thể công chứng cũng như quy trình, thủ tục công chứng của Công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch rất nghiệm ngặt mà giá trị pháp lý của văn bản công chứng là rất lớn.Văn bản công chứng vừa có ý nghĩa bảo đảm hợp đồng, giao dịch có tính an toàn, hợp còn có giá trị chứng cứ, nguồn chứng cứ tin cậy, các tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh.

CCOL
Nguồn
Link bài gốc