MÂU THUẪN QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN NHƯỢNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ LƯU Ý CHO TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG
Cập nhật lúc 16:09, Thứ sáu, 10/06/2022 (GMT+7)
Hàng ngày có rất nhiều giao dịch về Bất động sản diễn ra giữa các bên, tuy nhiên quy định pháp luật có một số điểm không đồng nhất, gây khó khăn cho hoạt động công chứng, chứng thực của tổ chức hành nghề công chứng. Bài viết này xin trình bày một số trường hợp mâu thuẫn về quy định chuyển nhượng bất động sản mà tổ chức hành nghề công chứng cần lưu ý.
Khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Cùng với đó, khoản 1, Điều 20, BLDS 2015 cũng quy định: “Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên”.
Như vậy, chỉ những người trong gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mới được tham gia thoả thuận để định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Những người không đủ 18 tuổi hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì không đủ điều kiện tham gia thoả thuận để định đoạt các loại tài sản nêu trên.
Tuy nhiên, khoản 5 Điều 14 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định: “Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”.
Sự không rõ ràng đã xuất hiện ở đây, bởi theo quy định của BLDS năm 2015, trong trường hợp giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất), không nhất thiết phải có sự tham gia giao kết của tất cả các thành viên, mà chỉ những thành viên hộ gia đình là “người thành niên” mới phải tham gia. Trong khi đó, theo Thông tư số 02/2015/NĐ-CP thì tất cả “các thành viên trong hộ gia đình” đều phải tham gia giao kết hợp đồng. Và văn bản đó phải được công chứng, chứng thực.
Mặc dù BLDS 2015 đã quy định “trừ trường hợp luật có quy định khác”, tuy nhiên những trường hợp khác phải do luật quy định chứ không phải là Nghị định hoặc Thông tư.
Tựu chung lại, sự mâu thuẫn giữa các quy định về giao dịch bất động sản nêu trên gây ra khó khăn cho các bên tham gia giao dịch liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất, đặc biệt là tổ chức hành nghề công chứng, trong quá trình tiến hành hoạt động công chứng, chứng thực.
CCOL