1.     Quy Định Về Lợi Nhuận Chuyển Ra Nước Ngoài

Lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài là lợi nhuận hợp pháp được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo Luật Đầu tư, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định[1].

2.     Căn cứ pháp lý

  • Luật đầu tư 2020;
  • Thông tư 06/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 26 tháng 06 năm 2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
  • Thông tư 186/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các tổ chức, cá nhân nước ngoài có lợi nhuận từ việc đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của luật đầu tư.

3.     Xác định số lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài

-      Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài hàng năm là lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài được chia hoặc thu được của năm tài chính từ hoạt động đầu tư trực tiếp căn cứ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cộng với (+) các khoản lợi nhuận khác như khoản lợi nhuận chưa chuyển hết từ các năm trước chuyển sang; trừ đi (-) các khoản nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng hoặc cam kết sử dụng để tái đầu tư tại Việt Nam, các khoản lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng để trang trải các khoản chi của nhà đầu tư nước ngoài cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cho nhu cầu cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

-      Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư tại Việt Nam là tổng số lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài thu được trong quá trình đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, trừ đi (-) các khoản lợi nhuận đã được sử dụng để tái đầu tư, các khoản lợi nhuận đã chuyển ra nước ngoài trong quá trình hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và các khoản đã sử dụng cho các chi tiêu khác của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

-      Nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam của năm phát sinh lợi nhuận trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ luỹ kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví dụ: Nhà đầu tư nước ngoài A góp vốn thành lập Công t y tại Việt Nam. Năm 2009, Công ty có phát sinh số lỗ là 4 tỷ đồng.

Giả sử năm 2010, Công ty có thu nhập trước thuế là 3 tỷ đồng. Như vậy, sau khi bù trừ chuyển lỗ từ năm 2009 chuyển sang theo quy định, trong năm 2010 Công ty có số lỗ là 1 tỷ đồng. Công ty không được chia lợi nhuận cho các bên tham gia góp vốn và nhà đầu tư nước ngoài A không được chuyển lợi nhuận được chia của năm 2010 về nước.

Giả sử năm 2010, Công ty có thu nhập trước thuế là 5 tỷ đồng. Như vậy, sau khi bù trừ chuyển lỗ từ năm 2009 chuyển sang theo quy định, trong năm 2010 Công ty còn lại số thu nhập chịu thuế TNDN là 1 tỷ đồng. Nếu thuế suất thuế TNDN Công ty áp dụng là 25% thì Công ty thực hiện nộp thuế TNDN là 250 triệu đồng (= 1 tỷ đồng x 25%). Công ty được chia số lợi nhuận sau thuế cho các bên tham gia góp vốn và nhà đầu tư nước ngoài A được chuyển lợi nhuận được chia của năm 2010 về nước[2].

4.      Thời điểm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

-      Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hàng năm.

Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển hàng năm số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam ra nước ngoài khi kết thúc năm tài chính, sau khi doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

-      Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt nam.

Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam sau khi doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế.

-      Trách nhiệm của doanh nghiệp nơi nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vốn.

Doanh nghiệp nơi nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vốn có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật liên quan đến thu nhập hình thành nên khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư nước ngoài chuyển ra nước ngoài.

5.     Thông báo chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc uỷ quyền cho doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư thực hiện thông báo việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, trước khi thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài ít nhất là 07 ngày làm việc.

6.     Hình thức Chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài

-      Nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển ra nước ngoài thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp

·      Vốn đầu tư trực tiếp khi giảm vốn đầu tư; chuyển nhượng dự án đầu tư (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư này); kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, hợp đồng BCC, hợp đồng PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư;

·      Tiền gốc, lãi và chi phí vay nước ngoài (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này), lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

-      Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp do giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp hoặc do chuyển nhượng dự án đầu tư làm thay đổi pháp nhân đăng ký ban đầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch mua ngoại tệ, chuyển vốn đầu tư trực tiếp và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài.

7.     Trách nhiệm của Nhà Đầu tư nước ngoài

-      Tuân thủ các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

-      Kê khai trung thực, đầy đủ nội dung giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; cung cấp các tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam theo yêu cầu và hướng dẫn của tổ chức tín dụng được phép; tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại tài liệu, chứng từ đã cung cấp cho tổ chức tín dụng được phép.

-      Mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển vốn, lợi nhuận, nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Thông tư này[3].



[1] Khoản 1, Điều 2, Thông tư số 186/2010/TT-BTC

[2] Điều 3, Thông tư số 186/2010/TT-BTC

[3] Điều 12, Thông tư 06/2019/TT-NHNN về Hướng Dẫn Về Quản Lý Ngoại Hối Đối Với Hoạt Động Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Vào Việt Nam

 

 

CCOL
Nguồn
Link bài gốc