Theo đó, sau hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng 2014, Bộ Tư pháp đã nhận thấy nhiều bất cập khi triển khai thực tiễn và nhất thiết cần những quy định mới mang tính cập nhật, các giải pháp để khắc phục các hạn chế như: Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung, việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực - chứng thực chữ ký người dịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế,…

Vì lẽ đó, Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) với nhiều quy định mới nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên và tiến hành lấy ý kiến góp ý. Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được xây dựng phù hợp với 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi).

Một số điểm mới của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 85 Điều, dự kiến có hiệu lực từ 01/07/2025 thay thế cho Luật Công chứng 2014 với một số điểm mới, bổ sung, sửa đổi như sau:

Thứ nhất, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) định nghĩa lại khái niệm: “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Theo quy định trên, việc công chứng bản dịch không còn thuộc phạm vi khái niệm công chứng. Chứng nhận bản dịch được quy định giao cho công chứng viên thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Thứ hai, về thủ tục công chứng một số hợp đồng, giao dịch cụ thể như:

Đối với hợp đồng ủy quyền, trường hợp hai bên không thể cùng nhau đến một Tổ chức hành nghề công chứng, Dự thảo Luật đã sửa đổi và quy định mỗi bên có thể chọn một TCHNCC bất kỳ để thực hiện việc công chứng hợp đồng ủy quyền này.

Đối với việc công chứng văn bản khai nhận di sản, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm trường hợp “Những người thừa kế theo di chúc mà trong di chúc đã xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người” bên cạnh hai trường hợp cũ nhằm bảo đảm tính đồng bộ với quy định về công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản.

Thứ ba, về khía cạnh công chứng điện tử, Dự án Luật quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử như quy định bổ sung khái niệm công chứng điện tử, quy trình công chứng điện tử trực tiếp và trực tuyến đối với các hợp đồng, giao dịch để tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số cho hoạt động công chứng.

Một số quy định cần xin ý kiến từ Chính phủ trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Thứ nhất, đối với mô hình Văn phòng công chứng, theo luật hiện hành chỉ được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Tuy nhiên, một số hạn chế đã phát sinh khi tại các địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, tại đây số lượng và giá trị của các hợp đồng, giao dịch cũng hạn chế nếu theo nhu cầu thực tế thì một Văn phòng công chứng chỉ cần một công chứng viên. Điều này dẫn đến trường hợp “hợp danh ảo”, chỉ ghi danh cho đủ số lượng để thành lập Văn phòng công chứng nhưng không thực hiện hành nghề. Vì vậy, Bộ Tư pháp kiến nghị cho phép công chứng viên lựa chọn mô hình tổ chức hoạt động của VPCC theo loại hình công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân để linh hoạt theo nhu cầu thực tế.

Thứ hai, về vấn đề tên gọi của Văn phòng công chứng, hiện tại tên gọi của Văn phòng công chứng được đặt theo tên của một trong các công chứng viên hợp danh. Khi đó hạn chế sẽ xảy ra khi tên của các công chứng viên hợp danh bị trùng với tên của các Văn phòng công chứng đã thành lập trước đó hoặc khi công chứng viên hợp danh không còn hành nghề tại tổ chức đó thì phải thực hiện thủ tục đổi tên tốn nhiều thời gian, gây nhầm lẫn cho khách hàng và không giữ được thương hiệu lâu năm. Vì vậy, Bộ Tư pháp kiến nghị cho phép đặt tên Văn phòng công chứng theo thoả thuận giữa các thành viên hợp danh, bảo đảm không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mĩ tục của dân tộc.

Bên cạnh một số quy định trên, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung, sửa đổi nhiều vấn đề liên quan đến các vấn đề nghiêm cấm đối với công chứng viên, các vấn đề liên quan đến đào tạo, hành nghề, quyền và nghĩa vụ của công chứng viên,… cần lấy ý kiến để sửa đổi và hoàn thiện.

Để xem Tờ trình và toàn văn Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), vui lòng xem tại đây.

 

CCOL
Nguồn
Link bài gốc