Vừa qua Quốc hội thảo luận một số ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Trong đó có nội dung đáng chú ý của dự thảo về việc lược bỏ thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Khai nhận di sản là thủ tục nhằm xác nhận quyền tài sản với di sản của người đã khuất để lại.Công chứng hiện hay có 2 trường hợp là “Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản” và Công chứng văn bản khai nhận di sản”.

Vì vậy, việc bỏ đi thủ tục công chứng khai nhận di sản ở dự thảo Luật mới sẽ không đáp ứng được thủ tục cho nội dung nhận di sản của Luật đất đai 2024, dẫn đến xảy ra một số bất cập lớn như sau:

Thứ nhất, người sử dụng đất có thể chết khi chưa được cấp Giấy chứng nhận, bị ghi nợ, kê biên,…thì cần phải công chứng khai nhận di sản trước khi người thừa kế thực hiện quyền đối với di sản.

Thứ hai, Người thừa kế phải thực hiện thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản” để người thừa kế thực hiện các điều kiện để QSDĐ đáp ứng điều kiện tham gia giao dịch(chuyển đổi, chuyển nhượng cho thuê,..) trước khi thực hiện “công chứng văn bản phân chia di sản”.

Thứ ba, Thủ tục này bảo đảm rằng di sản đã được nhận và không thuộc về nhà nước, xác lập quyền hưởng thừa kế cho người thừa kế. Việc nhận thừa kế nhằm xác lập quyền hưởng di sản của người thừa kế trước khi người thừa kế thực hiện các giao dịch khác liên quan đến di sản thừa kế.

Thứ tư, thực tiễn cho thấy, có những trường hợp sau khi thực hiện thủ tục “công chứng khai nhận di sản” những người thừa kế tự phân chia di sản.

Quy định về thủ tục “công chứng văn bản khai nhận di sản” đã góp phần tạo ra sự ổn định trong hoạt động công chứng, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Luật Đất đai trong thời gian qua. Nếu thủ tục này bị loại bỏ, các trường hợp “nhận di sản” theo quy định của Luật Đất đai sẽ không có cơ quan nào thực hiện. Lúc đó, người dân sẽ phải tự khai nhận và chịu trách nhiệm về các tuyên bố liên quan đến quyền thừa kế. Mặc dù điều này thể hiện tính tự quản, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc loại bỏ thủ tục “công chứng văn bản khai nhận di sản” là không phù hợp.

Do đó, việc duy trì thủ tục “khai nhận di sản” trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) hoặc sửa Điều 56 từ “Công chứng văn bản phân chia di sản” thành “Công chứng văn bản khai nhận, phân chia di sản” là rất cần thiết. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và minh bạch trong hệ thống pháp luật.

 

Nguồn
Link bài gốc