Hợp đồng giả cách là loại hợp đồng giả tạo, không phải là ý chí thực hiện của hai bên, được thiết lập trên cơ sở một quan hệ dân sự khác trước đó nhằm che giấu một giao dịch khác nên dẫn đến vô hiệu, không phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Trên thực tế, các loại hợp đồng dân sự giả tạo ngày càng nhiều, điển hình là trong các giao dịch mua bán, vốn vay, vốn chuyển nhượng và chủ yếu dựa trên 2 trường hợp sau:

Thứ nhất: Ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá thấp hơn thực tế nhằm tránh nộp  thuế. Bằng cách kê khai giá "ảo" trong hợp đồng, bên bán và bên mua có thể đối mặt với các rủi ro pháp lý, bao gồm truy thu, xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế. Ngoài ra, nếu bên mua không trả đúng số tiền thực tế, bên bán có thể phải tham gia kiện tụng, gây mất thời gian và công sức.

Thứ hai: Vay tiền/tài sản dưới hình thức chuyển nhượng/mua bán tài sản. Bên cho vay yêu cầu bên vay sang tên bất động sản hoặc cổ phần để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Mặc dù việc giao dịch vay mượn là thật, việc chuyển nhượng tài sản chỉ mang tính hình thức, nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ. Bên vay thường không nắm rõ hậu quả, dẫn đến việc tài sản bị chuyển quyền sở hữu cho bên cho vay khi họ không trả được nợ.

Nguyên nhân dẫn đến việc ký kết hợp đồng giả tạo thường là do bên vay cần tiền gấp, thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc tin tưởng vào bên cho vay thay vì phải đến ngân hàng vay tiền vì thủ tục khá rườm rà. Các tổ chức cho vay nặng lãi và tín dụng đen thường lợi dụng tình huống này để chiếm đoạt tài sản

Bên cạnh đó, để tránh rơi vào bẫy hợp đồng dân sự giả tạo, người dân cần chủ động tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật và tìm đến sự hỗ trợ của người có chuyên môn trước khi ký kết. Nhiều trường hợp, người ký hợp đồng và không nhận thức được hậu quả hoặc bị lừa do thiếu hiểu biết về tính chất pháp lý. Vì vậy, chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật liên quan để người dân nắm rõ và cảnh giác.

 

Nguồn
Link bài gốc