Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015, đặt cọc là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, có thể hiểu đây là hình thức mà một bên giao tài sản đặt cọc cho bên khác để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng được diễn ra theo thỏa thuận.

Cũng tại Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015, việc xử lý tài sản khi thực hiện đặt cọc được quy định như sau:

1. Nếu thực hiện hợp đồng: Trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt hoặc trừ vào nghĩa vụ trả tiền cho bên nhận cọc theo thỏa thuận.

2. Nếu không thực hiện đặt cọc: Trong trường hợp bên từ chối là bên đặt cọc thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận cọc; ngược lại nếu bên từ chối là bên nhận đặt cọc thì bên đặt cọc phải trả cho bên nhận tài sản đặt cọc cùng một số tiền tương đương với tài sản đặt cọc.

Tài sản dùng để đặt cọc gồm những gì?

Theo Luật sư, tài sản đặt cọc bao gồm một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (theo khoản 1, Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015). 

1. Căn cứ khoản 1, Điều 3, Thông tư 17/2014/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã định nghĩa kim khí quý bao gồm các loại: Vàng, bạc, bạch kim và các loại kim loại quý khác.

Đồng thời, đá quý cũng được liệt kê gồm kim cương hay còn gọi là hạt xoàn, ruby hay còn gọi là hồng ngọc, emorot hay còn gọi là lục bảo ngọc, saphia hay còn gọi là bích ngọc, ngọc trai hay chính là trân châu và các loại đá quý khác.

Như vậy, theo quy định ở trên, vàng là một trong các loại kim khí quý. Do đó, căn cứ Điều 328 Bộ luật Dân sự, vàng được coi là một trong các loại tài sản được sử dụng để đặt cọc.

2. Căn cứ Điều 22, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13, Điều 1, Pháp lệnh năm 2013, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, báo giá, thanh toán, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức khác không được thực hiện bằng ngoại tệ trừ trường hợp được phép tại Điều 4, Thông tư số 32/2013/TT-NHNN như:

a. Ngân hàng được giao dịch, thanh toán, niêm yết, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại tệ trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được cho phép;

b. Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản nhằm thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

c. Người cư trú là tổ chức làm đại lý cho hãng vận tải nước ngoài trên cơ sở hợp đồng đại lý ký kết giữa hai bên được thay mặt hãng vận tải nước ngoài báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng với cước phí vận tải hàng hóa quốc tế nhưng thanh toán thì vẫn phải thực hiện bằng đồng Việt Nam…

Như vậy, có thể thấy, chỉ những trường hợp được nêu tại Điều 4, Thông tư số 32/2013/TT-NHNN mới được sử dụng ngoại tệ trong hợp đồng, giao dịch… còn tất cả các trường hợp còn lại đều không được sử dụng ngoại tệ.

Do đó, nếu việc đặt cọc nằm trong các trường hợp trên thì có thể sử dụng ngoại tệ và ngược lại thì không được phép sử dụng ngoại tệ.

3. Căn cứ khoản 4, Điều 4, Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, séc được định nghĩa như sau: "Séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng".

Do đó, séc cũng là một trong các tài sản đặt cọc theo quy định tại Bộ luật Dân sự nên các bên hoàn toàn có thể sử dụng séc để đặt cọc.

Nguồn LSVN

Nguồn
Link bài gốc