Chính phủ vừa trình Quốc hội về Dự án Luật Căn cước, tên gọi mới của Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung và cập nhật mới với nhiều nội dung đáng chú ý sau:

Thứ nhất, đối tượng áp dụng được mở rộng

Ngoài các đối tượng là công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì Dự án Luật còn đề xuất áp dụng thêm cho các đối tượng là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Ngoài ra, công dân dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước khi có nhu cầu, còn đối với công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi thì việc cấp thẻ căn cước là bắt buộc theo Luật hiện hành.

Thứ hai, sửa đổi các thông tin trên CCCD hiện tại

Theo Dự thảo Luật Căn cước, đề xuất lược bỏ vân tay trên thẻ, thông tin về số thẻ sẽ được chuyển thành số định danh cá nhân, thông tin về quê quán được đổi thành nơi đăng ký khai sinh, địa chỉ thường trú được đổi thành địa chỉ cư trú và chữ kỹ của người cấp thẻ được thay thế bằng dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”.

Thứ ba, về quy trình cấp, đổi thẻ căn cước

Dự thảo Luật sửa đổi quy định thời gian cơ quan quản lý căn cước cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước cho công dân là trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.

Thứ tư, quy định về tích hợp thông tin trong thẻ căn cước

Dự thảo Luật đề xuất tích hợp một số thông tin ngoài các thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và có giá trị sử dụng tương đương việc xuất trình các giấy tờ giúp giảm giấy tờ cho công dân. Các thông tin đề xuất tích hợp như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngoài ra, Dự thảo Luật đề xuất, Chứng minh nhân dân được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực sẽ có thời hạn sử dụng đến hết ngày 31/12/2024, các loại giấy tờ có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn còn hiệu lực pháp luật.

CCOL tổng hợp
Nguồn
Link bài gốc