Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định nào bắt buộc di chúc phải công chứng, chứng thực. Di chúc có thể thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau như bằng miệng, bằng văn bản. Di chúc bằng văn bản có thể công chứng, chứng thực hoặc không công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực khi đáp ứng đủ điều kiện.

Nhưng nếu muốn di chúc có tính pháp lý cao nhất thì nên lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại UBND xã, phường hoặc mang di chúc đó đi công chứng, chứng thực.

1.    Người có quyền yêu cầu công chứng, chứng thực di chúc

Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng, chứng thực di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

2.    Một số quy định về công chứng di chúc

- Nếu rơi vào trong các trường hợp sau thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó:

+ Nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;

+ Có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.

- Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014 nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.

- Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó.

Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.

3.    Một số quy định về chứng thực di chúc

Khi chứng thực di chúc thì người có thẩm quyền chứng thực phải ghi lời chứng thực di chúc trong văn bản chứng thực đó.

4.    Điều kiện để di chúc hợp pháp

Cụ thể tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

- Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.

- Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

5.    Các giấy tờ cần chuẩn bị

·  Giấy tờ nhân thân của người lập di chúc: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc còn giá trị sử dụng.

·  Giấy tờ nhân thân của người hưởng di sản như: Giấy khai sinh, Giấy chứng nhặn đăng ký kết hôn; Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

·  Giấy tờ về tài sản:

+   Nhà đất: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

+   Tiền gửi trong ngân hàng: Sổ tiết kiệm ;

+   Động sản: Giấy đăng ký xe,… ;

+   Quyền tài sản: cổ phiếu, cổ phần…… ;

+   Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản khác.

·  Bản di chúc đã viết sẵn (nếu có);

· Giấy tờ nhân thân của người làm chứng: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của người làm chứng (trong trường hợp cần có người làm chứng).

Nguồn
Link bài gốc