Dịch vụ công trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người dân sử dụng bởi những lợi ích mà nó đem lại trong việc hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính công trên môi trường mạng từ đó giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí...

1. Dịch vụ công trực tuyến là gì?

    Căn cứ tại điều 2, khoản 3 về giải thích thuật ngữ trong Thông tư 26/2009/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có đề cập:

"2. Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng."

    Theo đó, dịch vụ công trực tuyến (DVC) có thể hiểu là hình thức thực hiện các giao dịch điện tử giữa các doanh nghiệp, tổ chức, công dân với nhà nước nhằm thực hiện các thủ tục hành chính. Hệ thống được thiết lập và hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, công dân, doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính đơn giản, không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm tiết kiệm chi phí đi lại và công sức làm việc.

2. Cổng thông tin dịch vụ công chính thức đi vào hoạt động

    Ngày 9/12/2019 Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức được đưa vào vận hành và sử dụng tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn. Cổng DVC là một trong những bước tiến quan trọng đánh dấu việc đổi mới đưa công nghệ vào quản lý, hỗ trợ thực hiện các giấy tờ thủ tục hành chính công.

3. Dịch vụ công trực tuyến nổi bật

i.  Đăng ký, cấp biển số xe (thực hiện tại cấp tỉnh)

ii.  Đổi Giấy phép lái xe

iii. Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận

iv. Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận

v.  Cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế

vi.  Đăng ký doanh nghiệp

vii. Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)…

4. Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến

    Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  

    Bên cạnh đó, việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch bất kỳ thời gian nào trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Nếu trước đây muốn đăng ký thủ tục hành chính phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thì nay, với phương thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mọi việc liên quan đến thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị; đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Vì vậy, khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm.

    Ngoài ra, thông qua mạng internet, tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ, biết được hồ sơ của mình đang ở khâu nào trong quy trình xử lý. Ngày gửi, hồ sơ gửi đã đúng chưa, hồ sơ cần bổ sung (nếu thiếu), ngày nhận kết quả... được hiển thị minh bạch, rõ ràng.

5. Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Bước 1: Đăng nhập trang chủ Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia https://dichvucong.gov.vn và chọn Đăng ký

Bước 2: Chọn đối tượng đăng ký

Chọn công dân, doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước.

Đối với công dân có thể đăng ký qua 01 trong 05 hình thức:

+ Đăng ký bằng mã số BHXH.

+ Đăng ký bằng số điện thoai (Số điện thoai đã đăng ký bằng CMND/CCCD với nhà mạng).

+ Đăng ký thông qua bưu điện VN.

+ Đăng ký bằng USB ký số.

+ Đăng ký bằng Sim ký số.

Bước 3: Nhập các thông tin hiện trên bảng và chọn Đăng ký.

Lưu ý: Những trường đánh dấu * là bắt buộc nhập.

Bước 4: Nhập mã OTP được gửi về điện thoại.

Bước 5: Nhập mật khẩu và nhận thông báo đăng ký thành công.
Nguồn
Link bài gốc