Chữ ký số và chứng thực điện tử là 2 khái niệm phổ biến đối với các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện các giao dịch bằng phương thức trực tuyến. Để các hoạt động giao dịch điện tử diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và đảm bảo tính pháp lý, người thực hiện cần hiểu rõ về khái niệm cũng như cách phân biệt 2 thuật ngữ này.

Để phân biệt chữ ký số và chứng thực điện tử, trước hết ta cần nắm được những thông tin cơ bản về khái niệm, giá trị pháp lý và điều kiện đảm bảo an toàn.

1. Chữ ký số

i. Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP ban hành năm 2018 đã quy định về khái niệm chữ ký số:

"Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên”.

ii. Giá trị pháp lý của chữ ký số

Chữ ký số được pháp luật công nhận là có giá trị pháp lý tương đương như chữ ký tay thông thường (Theo Điều 8 Nghị định 130/2018/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số).

iii. Điều kiện của chữ ký số

Theo Điều 9 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, để tồn tại giá trị pháp lý, chữ ký số cần đáp ứng được các điều kiện sau:

1. Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

2. Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:

a) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;

b) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

c) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

d) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định này.

3. Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

2. Chứng thực điện tử

i. Về định nghĩa, chứng thực điện tử (hay chứng thực bản sao điện tử từ bản chính) “là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính” (Theo Khoản 9 Điều 3 Nghị định 45/2020/NĐ-CP về Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử).

Trong đó, bản sao điện tử “là bản chụp dưới dạng điện tử từ bản chính dạng văn bản giấy hoặc tập tin có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc, bản chính dạng văn bản giấy”.

ii. Giá trị pháp lý của chứng thực điện tử

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: “Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Khoản 2 Điều 14 Nghị định 45/2020/NĐ-CP cũng chỉ rõ: “Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử của cơ quan có thẩm quyền có giá trị pháp lý như kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng văn bản giấy”.

Như vậy, bản sao chứng thực điện tử có giá trị pháp lý như bản sao bằng giấy thông thường.

iii. Điều kiện chứng thực điện tử

Điều 18 Nghị định 23/2015/NĐ-CP đã quy định về Giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính bao gồm:

1. Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

2. Bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, cũng theo Điều 22 của bản Nghị định, những giấy tờ sau sẽ không đủ điều kiện để chứng thực điện tử:

1. Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

2. Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.

3. Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.

4. Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

5. Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.

6. Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nguồn
Link bài gốc