1. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

    Theo quy định tại Điều 13, Điều 35 Luật Hộ tịch 2014, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh là:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho công dân Việt Nam cư trú trong nước; đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
  •  Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em có liên quan đến yếu tố nước ngoài như các trường hợp sau đây:

        -   Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:

            + Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

            + Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

            + Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

            + Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

        -   Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:

            + Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;

            + Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

2. Thủ tục đăng ký khai sinh

         Hồ sơ đăng ký khai sinh bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu quy định tại Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch)
  •  Giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
  • Hộ chiếu/CMND/CCCD của người đi đăng ký

        Thời hạn cấp giấy khai sinh:

        Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014: "Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân."

        Như vậy, với quy định như trên có thể hiểu rằng, nếu nộp hồ sơ hợp lệ thì người đăng ký có thể nhận được ngay Giấy khai sinh sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký.

     Lưu ý:

     -  Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

     -  Trường hợp cha, mẹ có đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn;

    -  Đối với trường hợp người đăng ký không phải là cha, mẹ thì mang theo giấy tờ chứng minh quan hệ như ông, bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ;

     -  Xuất trình văn bản ủy quyền nếu ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh

    Sau khi kiểm tra và nhận đủ hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân. Sau đó, công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch.

CCOL
Nguồn
Link bài gốc