1. Quy định của Bộ luật dân sự 2015 về Hợp đồng và Hậu quả của việc hủy bỏ Hợp đồng  

Căn cứ theo Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), Điều 385, Hợp đồng “là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Theo đó, Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực “từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật liên quan quy định khác”.

Theo khoản 1, Điều 427, BLDS 2015 quy định “Khi Hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thoả thuận, trừ thoả thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”. Như vậy có thể thấy việc huỷ bỏ Hợp đồng không có công chứng thường được các bên tự tiến hành theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Quy định về điều kiện và thủ tục Huỷ bỏ Hợp đồng đã được công chứng

Đối với Hợp đồng có công chứng thì hiệu lực của Hợp đồng sẽ phát sinh “kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dầu của tổ chức hành nghề công chứng” (Khoản 1, Điều 5, Luật Công chứng 2014). Trong trường hợp huỷ bỏ Hợp đồng có công chứng thì việc huỷ bỏ phải được tiến hành công chứng theo quy định tại Điều 51, Luật Công chứng 2014, đáp ứng các điều kiện như sau:

“1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.”

Như vậy, khác với Hợp đồng không công chứng, khi các bên muốn huỷ bỏ chỉ cần tự tiến hành theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Trường hợp các bên muốn Huỷ bỏ Hợp đồng có công chứng thì phải tiến hành công chứng việc Huỷ bỏ Hợp đồng theo đúng điều kiện và thủ tục theo quy định của Luật Công chứng 2014.

Để được tư vấn chi tiết về quy trình thủ tục và văn bản cụ thể, vui lòng liên hệ Công chứng trực tuyến

CCOL
Nguồn
Link bài gốc