Theo tờ trình ban hành kèm dự thảo, Bộ Tư pháp cho biết sau hơn sáu năm triển khai thi hành Thông tư số 04/2015/TT-BTP, việc tập sự hành nghề công chứng đã đạt được nhiều kết quả tích cực thể hiện qua số lượng người đăng ký tập sự hành nghề công chứng ngày càng tăng, chất lượng tập sự được nâng cao và công tác quản lý nhà nước về tập sự cũng đi vào nề nếp. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tập sự hành nghề công chứng trong thời gian qua cũng còn một số điểm bất cập, hạn chế, mà chủ yếu là do quy định của Thông tư số 04/2015/TT-BTP. Cụ thể thông tư này còn những điểm chưa phù hợp như một số quy định về người không được đăng ký tập sự và thời gian tập sự chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng ghi danh nhưng không tập sự trên thực tế; quy định về cách thức, thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá việc hoàn thành tập sự chưa rõ ràng, trách nhiệm từ chối hướng dẫn tập sự chưa cụ thể…

Từ những hạn chế này, Bộ Tư pháp đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung toàn diện Thông tư số 04/2015/TT-BTP. So với Thông tư số 04/2015/TT-BTP hiện hành, dự thảo thông tư thay thế gồm 6 chương, 37 điều, trong đó sửa đổi 25 điều và bổ sung 2 điều, đồng thời bổ sung 2 biểu mẫu mới và sửa đổi đa số các biểu mẫu còn lại. Đáng chú ý, hai điểm mới được nêu trong dự này đã quy định chi tiết về việc tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng và hoàn thành tập sự hành nghề công chứng.

Về việc tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng được quy định tại Điều 2 của dự thảo nêu rõ: Người đủ điều kiện tập sự hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 lựa chọn và thỏa thuận với một tổ chức hành nghề công chứng về việc nhận tập sự. Trong trường hợp người đủ điều kiện tập sự đã liên hệ ít nhất ba tổ chức hành nghề công chứng nhưng không được nhận vào tập sự thì gửi giấy đề nghị Sở Tư pháp bố trí tập sự. Tại Điều 10 của dự thảo cũng quy định chặt hơn về việc hoàn thành tập sự hành nghề công chứng. Theo đó, khi kết thúc tập sự hành nghề công chứng, công chứng viên tập sự phải nộp báo cáo quá trình tập sự, nhật ký tập sự cho Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự trong thời hạn 15 ngày. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, nhận ký tập sự, Sở Tư pháp ra quyết định công nhận hoàn thành tập sự, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Đồng thời, dự thảo cũng đặt ra một số hình thức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng mới. Theo đó, người tập sự phải thông qua hai bài kiểm tra theo một trong ba hình thức kiểm tra sau: Hình thức thứ nhất: kiểm tra viết và vấn đáp (như quy định hiện hành); Hình thức thứ hai: Kiểm tra viết và bài trắc nghiệm; và Hình thức thứ ba: Kiểm tra viết. Trường hợp này, Bộ Tư pháp sẽ xác định hình thức đối với bài kiểm tra thứ hai và thông báo đến Sở Tư pháp.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư, căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Bộ Tư pháp đăng tải toàn văn hồ sơ dự thảo Thông tư trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để xin ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Mọi ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự thảo Thông tư có thể gửi trực tiếp trên Mục Lấy ý kiến dự thảo VBQPPL, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (https://lsvn.vn/de-xuat-moi-ve-kiem-tra-ket-qua-tap-su-hanh-nghe-cong-chung1652614785.html)  hoặc gửi về Bộ Tư pháp (qua Cục Bổ trợ tư pháp) số 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. 

 

 
CCOL
Nguồn
Link bài gốc